Một trong những sự thay đổi lớn nhất đối với các bé bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa lớp 1 đó chính là môi trường học tập xung quanh. Nếu trước kia, các con được tự do chơi đùa trong không gian lớp với những con thú, cây cối,… thì khi ngồi trong ghế nhà trường tiều học các con phải làm quen với nề nếp, kỉ luật,… Thực tế cho thấy nhiều học sinh ngày đầu mẹ dắt tới trường không chịu vào lớp, khóc, mè nheo. Có em bắt mẹ cứ đứng ngoài cửa sổ gần nửa tháng trời mới quen không muốn đến trường và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các con.
Vậy các bậc phụ huynh sẽ phải làm gì, chuẩn bị những gì cho các bé có thể tự tin bước vào lớp 1? Để giải đáp những thắc mắc này, chúng tôi xin đưa ra một vài ý cơ bản sau:
Cái nhìn ấn tượng về trường, thầy cô, bạn bè
– Trước khi đưa bé đến trường với mục đích học tập, các bậc phụ huynh nên dẫn trẻ đến trường để làm quen, tham quan khung cảnh trường. Lúc này phụ huynh có thể giới thiệu những điều lí thú, hấp dẫn đơi với trẻ như những trò chơi dân gian, những buổi sinh hoạt Sao, những giờ học vẽ, học hát… để gieo vào trẻ lòng yêu thích, khát khao được đến trường.
– Ngoài ra, phụ huynh có thể phối hợp cùng nhà trường và giáo viên tạo điều kiện cho các con được chứng kiến hoạt động học của các anh chị với các hoạt động sôi nổi, làm kích thích sự tham gia của trẻ.
Kĩ năng giao tiếp và thái độ lễ phép
– Giao tiếp đối với trẻ lớp 1 không đơn giản như chúng ta nghĩ, bới lúc đó các em phải bắt đầu trong một môi trường mới, thầy cô và bạn bè. Nhiều em không tự tin để nói chuyện, dẫn đến tình trạng trẻ trầm cảm, không thể tiếp thu bài học, Chính vì vậy phụ huynh cần phải tạo điều kiện cho các em có có hội được trò chuyện với mọi người xung quanh, đây cũng chính là cách chúng ta rèn luyện cách nói đúng cho trẻ.
– Khi giao tiếp trẻ sẽ để lộ những mặt hạn chết vầ phát âm như nói ngọng, nói sai ngữ pháp câu, …phụ huynh sẽ chỉ cho trẻ lỗi sai đó và yêu cầu các con sửa lại. Đây là một trong những điểm rất thích hợp để rèn luyện cho trẻ về phát âm.
– Tiếp đó, chúng ta phải luyện cho trẻ thái độ lễ phép với thầy cô, với những người lớn tuổi. Bởi lẽ, đây là lứa tuổi hình thành nhân cách rất nhanh, các em bước vào một môi trường mới, nếu không được rèn rũa cẩn thận, rất có thể sẽ bị “ lệch” khỏi khung nhân cách chuẩn. Ngoài các bài học trên lớp, giáo viên và phụ huynh cần phải tạo cho trẻ những hoạt động nhằm định hướng nhân cách đúng đắn, để thông qua các hoạt dộng vui chơi đó, trẻ sẽ có thái độ lễ phép, ngoan ngoãn.
Lòng khao khát học hỏi
– Để có được sự khao khát đó với trẻ lớp 1 thì đặc biệt chúng ta phải gắn với thực tiễn với những điều xung quanh trẻ. Thay vì các con số khô khan, chúng ta có thể thay vào bằng những vật dụng gần gũi quanh trẻ.
– Thêm vào đó, tự đặt ra câu hỏi và tìm lời giải đáp là một trong những cách nhanh nhất để trẻ tiếp thu và mở rộng kiến thức. Đối với các em lớp 1 cũng vậy, bắt đầu với chương trình học tập mới lạ nhiều em sẽ sợ bởi khối kiến thức lớn, toàn con số và chữ khiến các em không muốn học. Chính vì vậy, chúng ta hãy đặt ra câu hỏi cho trẻ và kích thích sự tư duy của trẻ bằng những câu hỏi gợi mở như “ Theo con, tại sao chúng lại như vậy?” “ Con có thấy điều gì khác biệt hay không?” “ con giải thích giúp cô / mẹ được không nhỉ?”,… lúc này trẻ được đặt vào trạng thái phải động não tư duy để giải đáp, và kiến thúc trẻ tìm được là thứ các em dễ dàng ghi nhớ nhất.
Và một điều quan trọng xin được gửi tới các bậc phụ huynh đó là: Con trẻ bước vào lớp 1, trẻ đã phải chịu những tác động của sự thay đổi bên ngoài về hình thức học, nội dung chương trình, chính vì vậy nếu các bậc phụ huynh đè nặng điểm số trên đôi vai các bé sẽ dẫn đến sự quá tải, ức chế. Điều này sẽ khiến trẻ sợ học và có những hành vi thái độ trầm cảm. Chính vì vậy hãy tạo cho các con một không gian học tập thật tích cực, sáng tạo và thân thiện.