Xuất phát từ tâm lý luôn sợ con sẽ làm sai, sợ con gặp nguy hiểm mà nhiều cha mẹ đã bao bọc thái quá, khiến con mất đi cơ hội trải nghiệm, dẫn đến những sai lệch trong nhận thức và hành động của trẻ như thói quen ỷ lại, ngang bướng, thiếu tự tin và kỹ năng giao tiếp. Do vậy, việc trang bị những kỹ năng sống cho trẻ mầm non từ sớm luôn luôn cần thiết.
1. Dạy kỹ năng sống cho trẻ mầm non chưa bao giờ là quá sớm
Kỹ năng sống là tổng hợp những thao tác, hành động, nhận thức và tình cảm – cảm xúc mà con người có được thông qua học hỏi hoặc trải nghiệm thực tế giúp xử lý những vấn đề thường gặp trong cuộc sống thường ngày và giải quyết các công việc được giao.
Đối với trẻ mầm non, việc dạy những kỹ năng sống cần thiết rất quan trọng nhằm giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp, biết cách tự kiểm soát và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của mình. Trẻ cũng được trang bị những kiến thức để có thể tự giải quyết các vấn đề cơ bản và có cách ứng xử phù hợp trong những tình huống kỹ năng sống cho trẻ mầm non nhất định.
Ví dụ như khi trẻ bắt đầu biết nói, bố mẹ có thể dạy bé những ngôn ngữ giao tiếp và lễ nghĩa cơ bản như chào hỏi người lớn như chào bố mẹ, ông bà, cô dì, chú, bác và thưa gửi lễ phép “Vâng ạ”, “Dạ vâng”.
Đó là những kỹ năng giao tiếp đầu tiên và sẽ theo trẻ suốt đời. Khi lớn hơn, trẻ được đến trường và các mối quan hệ đã mở rộng ra khỏi phạm vi gia đình. Những đứa trẻ sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với bạn bè và thầy cô, các kỹ năng sống cũng không ngừng được rèn luyện nhiều hơn như kỹ năng làm việc độc lập, hợp tác làm việc theo nhóm.
Học hỏi kỹ năng sống thực chất là quá trình tiếp thu và rèn luyện kinh nghiệm từ nhỏ để có thể trở nên thuần thục như một bản năng tự nhiên. Trong đó, giai đoạn trẻ từ 0 đến 6 tuổi là thời điểm “vàng” giúp trẻ dễ dàng tiếp thu những kiến thức và kỹ năng sống sẽ trở thành hành trang theo con suốt cuộc đời. Những đứa trẻ được trang bị tốt các kỹ năng sống ngay từ độ tuổi mầm non thì khi trưởng thành sẽ sống tự lập hơn, có tự tin và bản lĩnh vượt qua khó khăn để đạt được thành công trong cuộc sống.
2. Những kỹ năng sống cần thiết trang bị cho trẻ mầm non
2.1.Dạy con kỹ năng sống tự lập, tự chăm sóc bản thân
Hiện nay, cách dạy trẻ mầm non các kỹ năng sống thường được rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Tuy nhiên trong vô vàn những kỹ năng sống cho trẻ mầm non, cha mẹ cần dạy con cách sống tự lập, tự chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu cơ bản nhất của bản thân. Thực tế, trẻ từ 2 tuổi trở lên đã có khả năng nhận thức và thực hiện các kỹ năng sống cơ bản, phù hợp với độ tuổi như:
– Tự làm vệ sinh cá nhân: Cha mẹ cần nắm bắt thời điểm “vàng” này để giúp trẻ dần hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân như hướng dẫn con tự đánh răng rửa mặt, tự cho quần áo bẩn vào chậu hoặc máy giặt, bỏ rác đúng chỗ. Ban đầu, cha mẹ có thể cùng làm với con rồi dần dần luyện thói quen cho trẻ tự thực hiện mà không cần sự trợ giúp của người lớn.
– Tự xúc ăn và mặc quần áo: Thay vì cho bé ăn riêng trước bữa ăn thì bố mẹ nên để trẻ ăn cùng gia đình. Trong bữa ăn, cha mẹ có thể cho phép con tự do khám phá các loại thức ăn, hướng dẫn con nhận biết đa dạng các loại thức ăn như thịt, cá, rau, củ, quả, các hương vị chua cay mặn ngọt, hay các loại đồ ăn cứng, mềm khác nhau và cho con tự xúc đồ ăn. Việc được tiếp xúc với nhiều loại thức ăn không chỉ giúp kích thích vị giác của bé phát triển mà còn tạo hứng thú ăn uống cho bé, giúp bé tự khám phá những loại đồ ăn yêu thích.
Người lớn cũng đừng ngại việc trẻ thích tự bốc đồ ăn bằng tay. Ban đầu, trẻ có thể chưa tự xúc ăn thành thạo bằng thìa nên cha mẹ cần kiên nhẫn hướng dẫn trẻ. Mẹ có thể chọn những bát thìa có hình dáng, màu sắc đẹp mắt để thu hút trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dạy con tự thay một số trang phục đơn giản như áo khoác hay quần áo thiết kế khóa kéo.
– Tự chơi và dọn đồ chơi: Thực tế, cha mẹ không phải lúc nào cũng có thời gian rảnh rỗi để chơi cùng con nên việc rèn cho trẻ kỹ năng tự chơi và dọn dẹp đồ chơi khi bố mẹ bận rộn là rất cần thiết. Các loại đồ chơi cho bé nên lựa chọn đa dạng như xếp hình, lego, vẽ tranh, ô tô cho con trai, búp bê hoặc gấu cho con gái. Lúc đầu, cha mẹ có thể chơi cùng con vài lần rồi hướng dẫn con tự chơi và tự dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong.
Bên cạnh việc dạy những kỹ năng sống cho trẻ mầm non tự biết chăm sóc bản thân, bố mẹ cũng nên khuyến khích con biết giúp đỡ mọi người xung quanh bằng những công việc nhẹ nhàng, vừa sức. Ví dụ như lấy báo cho bố, giúp mẹ xách đồ đạc nhẹ, tưới hoa, lấy bát đũa, dọn bàn ăn.
2.2.Giúp con nhận biết nguy hiểm và kỹ năng tự bảo vệ bản thân
Một trong những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non mà các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý chính là kỹ năng phân biệt nguy hiểm và tự bảo vệ bản thân. Chúng ta có thể dạy trẻ từ những kỹ năng cơ bản nhất như dạy con tránh xa những nơi nguy hiểm như sàn nhà ướt trơn trượt, nguồn điện hay nhiệt nguy hiểm và nhận biết những nơi an toàn như trường học, nhà của trẻ hay trụ sở cảnh sát và khi nào cần tìm người lớn giúp đỡ.
Thực tế, trẻ tầm 5 tuổi đã có thể nhận biết gương mặt người quen, người lạ. Khi đó, cha mẹ nên dạy con không nên tin và đi theo người lạ khi họ nói rằng “Cô/Chú là người quen của bố mẹ cháu. Bố mẹ cháu nhờ chú/cô chở đi” hoặc khi người lạ cho đồ ăn, đồ chơi thì không nên tự ý nhận.
2.3. Dạy con kỹ năng giao tiếp và lễ nghĩa
Trong môi trường xã hội trẻ đang sinh sống, các quan hệ tương tác xã hội của trẻ rất đa dạng từ cha mẹ – bạn bè – thầy cô – người thân trong gia đình – hàng xóm, thậm chí cả người lạ. Do đó, việc sớm hướng dẫn những kỹ năng giao tiếp, cách xử lý cụ thể trong từng tình huống kỹ năng sống cho trẻ mầm non là rất quan trọng.
Các kỹ năng giao tiếp cho trẻ mầm non bao gồm kỹ năng thể hiện bản thân, diễn đạt mong muốn hoặc ý nghĩ để người khác hiểu. Đồng thời, trẻ cũng cần rèn luyện các thói quen tốt như nói “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, biết chia sẻ, quan tâm, yêu thương mọi người xung quanh. Kỹ năng giao tiếp cần trang bị cho trẻ mầm non cơ bản được phân theo 3 nhóm sau:
– Giao tiếp với người lớn trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị: Từ khi trẻ còn nhỏ, bố mẹ hãy khuyến khích trẻ tương tác, nói chuyện, chơi đùa nhiều hơn với con, tạo điều kiện cho con làm quen với môi trường xung quanh. Khi trẻ đến trường hãy cho trẻ cơ hội được chơi đùa, kết bạn và giao tiếp với bạn bè nhiều hơn.
– Giao tiếp với bạn bè: Giữa những đứa trẻ trong độ tuổi mầm non thì những giao tiếp diễn ra rất tự nhiên như cùng chia sẻ một món đồ chơi, cùng tham gia chơi các trò chơi vận động có thể khiến những đứa trẻ nhanh chóng trở nên thân thiết. Vai trò của cha mẹ trong mối quan hệ này chính là dạy con kỹ năng kết bạn, hay xử lý quan hệ với bạn bè như tranh gianh đồ chơi, chia sẻ đồ ăn.
– Giao tiếp với những người lớn tuổi hơn (như thầy cô, hàng xóm): Ngay từ nhỏ trẻ cần được dạy kỹ năng giao tiếp như chào hỏi, thưa gửi lễ phép khi gặp người lớn. Cha mẹ có thể linh hoạt nắm bắt những tình huống kỹ năng sống cho trẻ mầm non để dạy con lễ nghĩa như khi có khách đến chơi nhà hoặc gặp người lạ trên đường thì con phải chào như thế nào “Con chào cô/chú/bác ạ”.
2.4. Rèn luyện sự tự tin cho con
Sự tự tin chính là việc trẻ mạnh dạn thể hiện những khả năng, suy nghĩ và cảm nhận của bản thân trong các mối quan hệ xã hội, trẻ không ngại học hỏi, khám phá những điều mới mẻ xung quanh. Rèn luyện sự tự tin sẽ giúp tạo tiền đề cho trẻ tự trau dồi kiến thức, học tập các kinh nghiệm và kỹ năng sống khác tự nhiên hơn.
Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non thêm sự tự tin trước tiên cần dạy con tự nhận thức và rèn luyện khả năng của bản thân. Ví dụ, cha mẹ có thể rèn luyện sự dũng cảm vượt qua khó khăn trở ngại bằng việc con có thể tự ngủ một mình, tự chơi. Hoặc tham gia các hoạt động phù hợp với lứa tuổi và sở thích của con như học bơi, học chơi đàn và các hoạt động nhóm, trò chơi vận động với các bạn cùng lứa tuổi như đóng kịch, đá bóng, nhảy dây, biểu diễn văn nghệ ở trường.
Như vậy, trên đây là tổng hợp những kỹ năng sống cần thiết cho trẻ mầm non cha mẹ nên trang bị cho con càng sớm càng tốt . Đặc biệt, trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ cần kiên nhẫn và hiểu rằng mỗi đứa trẻ đều khác biệt và là duy nhất. Mọi thứ đều cần có thời gian để hoàn thiện, kể cả tính cách hay các kỹ năng sống cho trẻ mầm non.