Con yêu bước vào “lớp 1” tưởng rằng là vấn đề nhỏ nhưng không hề nhỏ đối với bậc làm cha mẹ. Đây chắc hẳn là “bức tường lớn” mà cả cha mẹ lẫn con trẻ phải nỗ lực hết sức để vượt qua. Vậy cha mẹ cần làm gì để đồng hành cùng con vào lớp 1? Phụ huynh của bé hãy tham khảo một chút kinh nghiệm dưới đây để chuẩn bị hành trang vào lớp 1 cho con yêu tốt nhất. Chuẩn bị một hành trang vững chắc ngay lúc đầu sẽ tạo sự tự tin cho con yêu thành công sau này.
1. Những khủng hoảng con gặp phải khi vào lớp 1
Không còn giống như trường Mầm non nữa, bé sẽ không còn được vui chơi nhiều nữa. Khi vào lớp 1, thời gian đến trường của con chủ yếu là dành cho việc học tập. Không những vậy, ở trường Tiểu học thì sẽ có những nội quy, luật lệ nghiêm ngặt hơn so với trường Mầm non và con trẻ cần phải tuân thủ nghiêm túc. Chính vì thế, bước vào lớp 1 là giai đoạn chuyển giao quan trọng nhất của trẻ và cha mẹ chính là những người quan trọng nhất để giúp con mình làm quen và thích nghi với môi trường mới. Và dưới đây là những khủng hoảng mà con gặp phải khi vào lớp 1.
Thay đổi tâm lý
Khủng hoảng đầu tiên các bậc cha mẹ gặp phải là lo lắng về chuyển biến tâm lý của con khi bước sang bậc tiểu học. Bé sẽ có những biểu hiện sợ hãi khi được nghe bạn đề cập đến vấn đề “mai đi học nha con”. Vì trẻ phải thích nghi với môi trường hoàn toàn mới không còn vui chơi, nhảy múa nhiều như trước mà phải tập trung vào việc học nhiều hơn và tuân thủ đúng nội quy khi đến trường. Thời gian đầu có lẽ là thời gian bé sẽ có tinh thần căng thẳng nhất và đây cũng là giai đoạn các bậc cha mẹ cần nỗ lực hết sức để đồng hành cùng con.
Thay đổi sinh lý
Vì quá căng thẳng về vấn đề này nên cũng ảnh hưởng đến sự thay đổi cơ thể của con trẻ. Thường thì trẻ sẽ phát triển mạnh các cơ quan trong cơ thể ở lứa tuổi này. Nhưng sự ức chế bởi quá căng thẳng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, việc này kéo dài lâu ngày sẽ khiến con em cảm thấy mệt mỏi. Nhiều bé sẽ căng thẳng đến mức biếng ăn khiến bé bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể. Có những bé căng thẳng quá nhưng không có ai để giãi bày, tâm sự điều này bé có thể dễ mắc bệnh tự kỷ. Chính vì thế, cha mẹ hãy thấu hiểu con và đồng hành cùng con mọi lúc mọi nơi.
2. Cha mẹ đồng hành cùng con vào lớp 1
Chuẩn bị hành trang cho con
Trước tiên, cha mẹ phải biết con yêu của mình sẵn sàng cho việc đi học ở môi trường mới chưa? Từ đó bậc làm cha mẹ đồng hành cùng con – giúp con có một tâm thế sẵn sàng và tạo cho con cảm thấy mỗi ngày đến trường là một niềm vui:
- Cùng con yêu lựa chọn và chuẩn bị đồ dùng tập mới là cách tạo sự thích thú và hứng phấn đi học cho con.
- Dẫn con đến tham quan trường học trước và kể cho con nghe những câu chuyện thú vị ở trường học: Có thêm nhiều bạn bè mới, có giáo viên dạy học ân cần và những điều thú vị mà chỉ trường Tiểu học mới có.
Hiểu được tâm lý và đồng hành cùng con vào lớp 1
Việc không còn được vui chơi nhiều khi còn học Mầm non sẽ khiến không ít bé sẽ chán nản, và không muốn đến lớp trong thời gian đầu học lớp 1. Đây là khoảng thời gian ba mẹ nên bên cạnh đồng hành, chia sẻ, trấn an và cùng con vượt qua những khó khăn.
- Biết lắng nghe lời con nói: Giai đoạn này có thể bé sẽ có nhiều câu chuyện muốn kể cho cha mẹ nghe. Lúc này, cha mẹ nên chú tâm lắng nghe lời con nói; phản ứng tích cực khi nghe, ví dụ như vừa gật đầu vừa đáp hỏi câu nói của con một cách tích cực. Tránh những trường hợp nói nhiều hơn con nói, nói nặng nề với con hay lờ đi câu chuyện của con và trả lời câu hỏi cho có.
- Dành nhiều lời khen cho con: Ở lứa tuổi này, lời khen được trẻ xem như lời động viên, cũng là động lực để bé cố gắng. Trẻ thật sự rất thích nghe những lời khen nên các bậc làm cha mẹ nên chú ý rằng khen con phải khen thật lòng, khen và cỗ vũ cho con khi con có đạt được thành tích tốt, một việc làm tốt ở lớp.
- Dành nhiều thời gian cho con: Dành nhiều thời gian để cùng con học, cùng con chơi thì sẽ tạo cảm giác thích thú cho con trẻ. Bởi những việc làm đó trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương con hết mực của cha mẹ. Chính vì thế, hãy dành nhiều thời gian hơn để chơi và trò chuyện cùng con yêu sau một ngày đến trường.
Đồng hành cùng con rèn luyện cho con tính tự lập, kỷ luật
Với môi trường học hoàn toàn mới, bé sẽ không được cô giáo Mầm non chăm sóc tận tình nữa mà đến lúc bé phải biết tự lập và có có tính kỷ luật. Cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để rèn luyện cho con những kỹ năng sống như:
- Rèn luyện tính tự lập: Có thể trẻ được gia đình bao bọc quá kỹ, học Mầm non thì được cô giáo chăm sóc tận tình,…đó cũng chính là những nguyên nhân bé chưa biết cách tự lập. Để giúp con có thói quen tự phục vụ,cha mẹ nên rèn luyện tính tự lập cho con như:
- Dạy con tự mặc quần áo
- Tự giác dậy sớm và vệ sinh cá nhân
- Tự đi vệ sinh
- Chủ động xếp sách vở, dụng cụ ngay ngắn vào balo
- Xếp gọn sách, vở khi học xong. Cũng như kiểm tra đồ dùng trước khi ra về
- Biết thưa, hỏi, xin phép mà không cần ai nhắc nhở
- Rèn cho con tính kỷ luật: Ở trường tiểu học thì có nội quy riêng mà trẻ phải tuân theo, cho nên phụ huynh phải rèn cho con tính kỷ luật để con thực hiện nội quy của trường, lớp một cách nghiêm túc và tuân thủ nhất.