Giúp bé vững vàng tâm lý, sẵn sàng bước vào lớp 1

Đa số trẻ nhỏ đều có tâm lý lo sợ, bỡ ngỡ và e ngại khi phải chuyển sang một môi trường lạ lẫm, khác biệt so với trường mầm non. Cho nên, việc chuẩn bị tâm lý thoải mái và sẵn sàng cho con vô cùng quan trọng và cần thiết. Một tâm lý vững vàng sẽ giúp các con xóa tan những âu lo, vui vẻ hòa nhập với môi trường mới, háo hức khi bắt đầu được học với thầy cô giáo Tiểu học và cũng là bước khởi đầu cần thiết cho việc chuẩn bị cho con vào lớp 1.

Bố mẹ hãy dành thời gian trò chuyện với con về những thay đổi cũng như những niềm vui mà trường Tiểu học mang đến như: Vào lớp 1, con sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè mới, thầy cô giáo mới. Vào lớp 1, con được học hỏi được nhiều điều thú vị, có những trải nghiệm đáng nhớ… Và cứ thế, con sẽ cảm thấy bản thân mình trường thành từng ngày, được học tập, rèn luyện nhiều kỹ năng. Con sẽ biết được “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Tuyệt đối không nên mang các hình phạt hoặc thầy cô giáo ra để dọa nạt trẻ, khiến trẻ hình thành tâm lý sợ trường lớp. 

Hãy mang đến cho con những hình dung gần gũi nhất và chân thực nhất về mái trường Tiểu học, về thầy cô, bạn bè, đón con đúng giờ, đừng để các con phải chờ đợi lâu khi ra về vì điều đó sẽ khiến con thấy nghi ngờ, sợ hãi, thậm chí cảm thấy bị bỏ rơi, lạc lõng giữa một môi trường hoàn toàn mới. 

Chuẩn bị đồ dùng học tập cần thiết cho con 

Bất cứ cha mẹ nào khi chuẩn bị cho con vào lớp 1 cũng không thể bỏ qua một công việc vô cùng quan trọng là chuẩn bị đồ dùng học tập cho con. Điều này có thể giúp con tự tin hơn trong mỗi ngày đến lớp. Các con sẽ luôn cảm thấy bản thân có đầy đủ những đồ dùng cần thiết, sẵn sàng trong các hoạt động học tập tại trường và thêm thích thú khi hòa nhập vào một môi trường mới. Vì vậy, ba mẹ cần bỏ thời gian và công sức cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi nhập học chính thức. Trong đó, một số đồ dùng học tập quan trọng cần có như cặp sách, hộp bút chì, tẩy, vở… Bố mẹ có thể đưa con đi cùng để con chủ động lựa chọn theo ý thích. Trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi được sở hữu những món đồ mà mình yêu quý. 

 

 

Dạy trẻ những kỹ năng cần thiết 

Không chỉ cần ổn định tâm lý, các bạn nhỏ vào lớp 1 cũng cần người lớn dạy cho các kỹ năng cần thiết để chủ động trong môi trường mới như: kỹ năng tự lập, kỹ năng thể hiện bản thân… Phần lớn phụ huynh nghe qua có thể cho rằng trẻ còn quá nhỏ để học được những kỹ năng này tuy nhiên trên thực tế, việc thay đổi môi trường cũng như các yêu cầu giao tiếp đòi hỏi trẻ cần được rèn luyện với những bài học thực tế và phù hợp với nhận thức của con trẻ.

    • Kỹ năng tự lập: Tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng, quần áo, tự đi vệ sinh, tạo điều kiện cho trẻ giúp bố mẹ thực hiện các công việc nhà.
    • Kỹ năng giao tiếp: Kết bạn, trò chuyện với mọi người xung quanh
    • Kỹ năng thể hiện bản thân: Mạnh dạn thể hiện quan điểm, suy nghĩ của con; biết cách nói ra nhu cầu của bản thân hay mong muốn khi cần sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè.
    • Kỹ năng bảo vệ bản thân: Bố mẹ hãy chia sẻ với con về những tình huống con có thể gặp phải khi ở trường, sau đó thảo luận về những việc cần làm trong trường hợp bất kỳ người lớn hay trẻ em nào khiến con khó chịu. Bạn cũng nên nói cho con biết về quy trình an toàn phòng cháy chữa cháy, những nguy hiểm khi con rời khỏi cổng trường. Đây là kỹ năng vô cùng quan trọng mà bố mẹ nên chuẩn bị cho con vào lớp 1.
    • Tính kỷ luật: thức dậy và đi học đúng giờ, chú ý nghe giảng, biết phân biệt giữa giờ chơi và giờ học, xếp hàng… Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho con vào lớp 1, ba mẹ nên luyện cho con thói quen giờ nào việc ấy, đồng thời đề ra các nội quy trong gia đình và dạy con tuân thủ. Trẻ cần hiểu được rằng, dù là nhà trường hay gia đình cũng có những quy tắc nhất định mà tất cả mọi người đều phải thực hiện.

Những kỹ năng này không phải là ngày một ngày hai có thể có luôn mà phải là sự tích lũy của một quá trình. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho con vào lớp 1 có một khởi đầu hoàn hảo, bố mẹ nên sớm có kế hoạch giúp con hình thành các kỹ năng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần kiên trì và đồng hành cùng con với vai trò là một người bạn bởi giai đoạn này tâm lý của trẻ khá nhạy cảm.

Rate this post